top of page

Tìm hiểu quỹ đầu tư mạo hiểm: từ A -> Z

Updated: Aug 15, 2021

Đầu tư mạo hiểm là gì?


Đầu tư mạo hiểm là công cụ tài chính cho các công ty khởi nghiệp và là phương tiện đầu tư cho các nhà đầu tư tổ chức và các cá nhân giàu có. Đây là một hình thức kinh doanh giúp các công ty khởi nghiệp nhận được tiền trong thời gian ngắn và cho các nhà đầu tư có thể gia tăng tài sản của mình trong thời gian dài.


Xem thêm:


Quỹ đầu tư mạo hiểm là gì?


Quỹ đầu từ mạo hiểm là tổ chức huy động tiền từ các nhà đầu tư, tạo ra một quĩ tín dụng và sử dụng nguồn tiền này một cách đầy mạo hiểm!

Họ thường sử dụng tiền để mua cổ phần của các công ty đang phát triển ở giai đoạn sớm hoặc giai đoạn sau, tuỳ thuộc vào đặc tính của từng quỹ (bên cạnh đó, có những quỹ đầu tư mạo hiểm có thể đầu tư vào tất cả các giai đoạn). Các khoản đầu tư này sẽ bị “khoá" lại cho đến khi có “ khoản thanh khoản", khi có người sẵn sàng mua lại các phần cổ phần này như khi công ty được mua lại hoặc niêm yết lên sàn chứng khoán. Đây chính là thời điểm các quỹ đầu tư mạo hiểm bán cổ phần ra và nhận được lợi nhuận từ khoản đầu tư ban đầu.


Đầu tư mạo hiểm có đặc tính rủi ro lớn đi kèm với lợi nhuận cao, họ tìm kiếm và rót dòng tiền vào các công nghệ mới nổi, các sản phẩm với tiềm năng tăng trưởng lớn nhưng chưa có lợi nhuận ở thời điểm sớm, những “mỏ vàng” này khi được khai phá thành công sẽ mang về nguồn lợi khổng lồ cho các quỹ đầu tư mạo hiểm.Năm 2005, quỹ đầu tư Accel Partners đã mang $12.7M đầu tư vào Facebook tương ứng với 10% cổ phần. Sau đó, họ bán một lượng cổ phần nhất định này vào 2010 với mức giá nửa tỷ đô la. Khi Facebook niêm yết trên sàn chứng khoán, Quỹ đã bán số cổ phần còn lại và thu về 9 tỷ đô la cho thương vụ đầu tư này của mình vào 2012.


Các thương vụ của các Quĩ đều là những khoản đầu tư dài hạn. Các startup mất từ 5 -10 năm để có thể trưởng thành và lớn mạnh, và các khoản đầu tư cho startup sẽ rất khó để rút ra cho đến khi startup bùng nổ, thu hút “cá mập” muốn mua lại công ty hoặc startup có thể niêm yết sàn chứng khoán. Một quỹ đầu tư mạo hiểm thường có thời gian tồn tại là 10 năm, vì thế họ không chịu áp lực lớn về lợi nhuận ngắn hạn.

Các khoản đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm giúp startup có nguồn tài chính vận hành công ty mà không cần chịu gánh nặng nợ nần, bởi số tiền này đã được qui đổi thành cổ phần của chính họ. Ngoài ra các startup cũng nhận được sự giúp đỡ về mặt kinh nghiệm, mạng lưới quan hệ ngoại giao, thị trường …

Ngày nay, các quỹ đầu tư mạo hiểm thường tập trung vào các sản phẩm phần mềm B2C, B2B, các ngành công nghiệp D2C. Ngành công nghệ phần mềm rất được các quỹ đầu tư quan tâm vì đặc tính vốn trả trước thấp, trong khi thị trường lại rất lớn.



Tại sao các startup lại tìm kiếm đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm?


Ngân hàng thông thường sẽ không cho startup vay tiền, các khoản vay truyền thống từ ngân hàng đòi hỏi rất nhiều thủ tục, dựa trên giấy tờ chứng minh tài chính, doanh thu, lợi nhuận và bảng cân đối kế toán tài chính nhằm quyết định có cho vay hay là không. Các tài liệu này lại không hề có hiệu quả trong việc định giá một startup ở giai đoạn đầu, ở giai đoạn này hầu nhưng các nhà khởi nghiệp sẽ để ngân hàng có thể đảm bảo từ startup như tài sản thế chấp. Các công ty có các nhà máy, thiết bị và bằng sáng chế thì ngân hàng có thể lấy trong trường hợp tịch thu tài sản thì với các công ty khởi nghiệp phần mềm, tài sản của họ không có gì ngoài máy tính và ghế văn phòng


Hơn nữa.


Các quỹ đầu tư mạo hiểm có cách khác ngân hàng, hợp lý hơn để định giá các công ty startup ở giai đoạn đầu bằng cách sử dụng các thông số (metrics) để dự đoán về tương lai thành công của doanh nghiệp như sản phẩm, độ lớn thị trường và đội ngũ sáng lập.


Phương thức đánh giá này không hoàn hảo, và hầu hết các khoản đầu tư đều thua lỗ. Tuy nhiên bởi vì tỷ lệ lợi nhuận cao của các khoản đầu tư thành công có thể bù đắp cho toàn bộ các khoản đầu tư thua lỗ nên đầu tư mạo hiểm vẫn là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư lớn.


Cơ cấu quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế vận hành


Các quỹ đầu tư mạo hiểm huy động tiền từ một nhóm các đối tác (Limited partners - LPs), các nhà đầu tư tổ chức. Các mục tiêu và mối quan tâm của các LP ảnh hưởng rất nhiều đến chiến lược đầu tư của VC. Phần này chúng ta sẽ xem xét toàn bộ ảnh hưởng và các mối quan hệ trong toàn bộ chuỗi hoạt động của VC, từ các tổ chức của LP đến các công ty khởi nghiệp mà VC đầu tư vào.


LPs là những ai?


LP thường là các nhà đầu tư tổ chức lớn, chẳng hạn như nhà tài trợ của các trường đại học, quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm và các tổ chức phi lợi nhuận (Một số LP là các cá nhân giàu có và các văn phòng gia đình.) Họ có thể quản lý đến hàng chục tỷ đô la mà họ đang đầu tư vào các danh mục đầu tư đa dạng.


Danh mục đầu tư của các LP phải phục vụ nhu cầu của tổ chức bằng cách tăng tài sản lên qua từng năm, đảm bảo cho các chi phí của tổ chức.


Ví dụ: quỹ tài trợ của Harvard chi trả phần lớn hoạt động hàng năm của trường. Nếu khoản tài sản $40 tỷ của nó tăng 5% hàng năm nhưng chi phí tài trợ cho trường hàng năm trung bình bằng 6% tiền quỹ thì tài sản sẽ giảm 1% mỗi năm. Nguồn tiền suy yếu có thể gây nguy hiểm cho vị thế của tổ chức và cản trở khả năng thuê các giáo sư giỏi nhất, thu hút các sinh viên hàng đầu và tài trợ cho các nghiên cứu hàng đầu.


Tương tự, các quỹ hưu trí có trách nhiệm trả tiền hưu trí cho người về hưu, dự trữ của công ty bảo hiểm chịu trách nhiệm thanh toán cho các khoản bảo hiểm, các quỹ dự trữ của tổ chức phi lợi nhuận chịu trách nhiệm chi trả cho các khoản tài trợ của tổ chức mình.


Các LP phải quản trị rủi ro và tìm cách tăng trưởng tài sản của mình một cách bền vững và đầu tư tiền vào các quỹ đầu tư mạo hiểm là một trong những phương tiện để họ có thể đạt được kế hoạch của mình.


LPs với VCs


LP đầu tư vốn vào quỹ đầu tư mạo hiểm bằng cách cam kết một số tiền nhất định. Quy mô của các quỹ này thường giao động từ $50M đến hàng tỷ đô la.


Trong những năm qua, rất nhiều các nguồn vốn lớn đã đổ vào các quỹ đầu tư mạo hiểm khiến rất nhiều các quỹ đầu tư mạo hiểm hơn $1 tỷ đô la ra đời, ngoài ra các quỹ đầu tư mạo hiểm với số vốn hơn $100M cũng tăng lên đáng kể.


Ví dụ vào năm 2018, Sequoia Capital đã huy động được 8 tỷ đô la cho quỹ tăng trưởng toàn cầu III của mình, 1,5 tỷ đô la trong số đó đã được đầu tư vào 15 công ty khởi nghiệp ở giai đoạn tăng trưởng (tính đến tháng 1 năm 2020). Khoản đầu tư lớn nhất của quỹ cho đến này là 384 triệu đô la cho Bytedance có trụ sở tại Trung Quốc, công ty mẹ của TikTok.


Tương tự, Catapult Ventures đã huy động được quỹ 55 triệu đô la vào năm 2019 nhằm vào các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn hạt giống chuyên về AI, tự động hoá và IoT. Vào tháng 4 năm 2020, công ty đã tham gia vào vòng hạt giống trị giá 3,3 triệu đô la cho Strella Biotechnology, một công ty tối ưu hoá chuỗi cung ứng cho sản phẩm tươi sống.


Các nhà đầu tư mạo hiểm huy động vốn từ LP bằng cách quảng cáo hồ sơ theo dõi của họ, dự đoán về hiệu suất của quỹ và đưa ra giả thuyết về các lĩnh vực tăng trưởng đầy hứa hẹn trong tương lai.


Việc gây quỹ có thể mất nhiều thời gian, vì vậy VC thường sẽ thực hiện “lần gọi vốn đầu tiên" đến khi đạt 25-50% số tiền mục tiêu và sau đó bắt đầu thực hiện các khoản đầu tư trước khi gọi được vốn vòng cuối cùng.


Hầu hết các quỹ có cấu trúc 2-20%: 2% phí quản lý và 20% “thực hiện” (carry). Khoản phí 2% bao gồm chi phí hoạt động của công ty - tiền lương của nhân viên, tiền thuê nhà, hoạt động hàng ngày.


Trong khi đó, khoản “thực hiện" bản chất là khoản “thu nhập" của VC - VC nhận 20% lợi nhuận mà quỹ của họ tạo ra. Nếu VC đầu tư vào các công ty tiềm năng tốt như các vụ đầu tư vào Google hoặc Facebook thì có thể tạo ra nhiều lợi nhuận, đủ để xoay vòng cho cả VC và LP, nhưng nếu tỷ lệ lợi nhuận thấp thì 20% này có thể trở thành một vấn đề của các LP.


Với tính chất phí cao, rủi ro cao và dài hơi, các LP mong đợi VC sẽ mang tới mức lợi nhuận đánh bại thị trường (thường lấy chỉ số chứng khoán chung của nước đó, ví dụ ở Mỹ thì có thể là chỉ số S&P 500). Nói chung, họ kỳ vọng các VC sẽ mang về tỷ lệ lợi nhuận cao hơn từ 50% đến 80% so với chỉ số. Ví dụ nếu S&P 500 có mức tăng 7% hàng năm, LPs sẽ kỳ vọng vốn đầu tư sẽ thu về ít nhất là 12% hàng năm.


Lợi nhuận của VCs càng cao thì uy tín của công ty càng tăng. Nếu VC không mang lại lợi nhuận đánh bại thị trường hoặc thậm chí mất tiền của LP, danh tiếng của họ sẽ bị ảnh hưởng, gây khó khăn cho việc huy động vốn mới để trang trải chi phí. Để tiếp tục kinh doanh, các VC cần đầu tư vào các công ty khởi nghiệp có hiệu suất cao mang lại lợi nhuận. Điều này giúp cho các LP hạnh phúc và VC cũng có được khoản lợi nhuận lớn.


VCs với Startups


Để các quỹ đầu tư mạo hiểm mang lại tỷ lệ lợi nhuận cao nhất thị trường, các quỹ đầu tư mạo hiểm cần phải tìm các công ty đề đầu tư với kỳ vọng mang lại lợi nhuận gấp 10 đến 100 lần khoản đầu tư của họ.


Nhìn chung, có tới 67% các công ty khởi nghiệp được VC đầu tư và giúp đỡ là thất bại và chỉ có một tỉ lệ rất ít là 1,28% để một công ty khởi nghiệp có thể trở thành công ty tỷ đô. Vì thế các VC cần những công ty có khởi nghiệp có khả năng mang về lợi nhuận vượt trội để bù đắp cho những thất bại không thể tránh khỏi.


Chúng ta cùng nhìn sâu hơn về cách phân phối lợi nhuận của VC để thấy hiệu suất đầu tư cực kỳ không cân xứng giữa các công ty khởi nghiệp được VC đầu tư như thế nào.


Lợi tức VC tuân theo một đường cong luật lũy thừa (đường cong năng lượng- sức mạnh): một đại lượng thay đổi theo sức mạnh của đại lượng khác. Điều này có nghĩa là người có hiệu suất cao nhất có lợi nhuận lớn nhất hơn người cao thứ hai theo cấp số nhân.


Kết quả là việc phân phối bị sai lệch nhiều, với một số khoản đầu tư hàng đầu mang lại tỷ lệ lợi nhuận của “sư tử". Phần còn lại được gọi là “đuôi dài", chỉ tạo ra một phần nhỏ.




VCs với VCs


Toàn bộ ngành công nghiệp VC tuân theo đường cong quy luật lũy thừa, giống hệt như đường cong lợi nhuận của các khoản đầu tư của họ.


Nói cách khác, các quỹ ưu tú tạo ra phần lớn tài sản và phần đuôi dài là các quỹ không tạo ra tỷ suất sinh lợi trung bình trong ngành.


Cơ hội đầu tư hàng đầu đang ngày càng khan hiếm. Mặc dù có thể có nhiều vòng gọi vốn nhưng chỉ có một vòng Series A của Facebook. Không có cách nào để có thể đầu tư lại vào Facebook sau đó với cùng một điều kiện, cùng một điều khoản như trước.


Các nhà đầu tư mạo hiểm cạnh tranh với nhau để có được một chỗ ngồi trên bàn trong các vòng gọi vốn được săn đón cao, trong đó nhà đầu tư chính (lead investor) thường là một nhà đầu tư hàng đầu, chẳng hạn như Sequoia Capital, Accel Partners hoặc Kleiner Perkins.


Các giao dịch đầu tư mạo hiểm


Hoạt động quan trọng nhất của một VCs đó là chốt được một giao dịch đầu tư phù hợp. Trong một khảo sát gần 900 VCs đầu tư giai đoạn sớm và muộn thì thành công của VC đến từ nguồn giao dịch chất lượng và tiêu chí lựa chọn tốt, chiếm khoảng 71%.


Dù cố vấn bao nhiêu, đổ bao nhiêu tiền đi chăng nữa cũng không thể biến một công ty tầm thường trở thành một Google tiếp theo. Đó là lý do tại sao các nhà đầu tư mạo hiểm dành phần lớn thời gian và nỗ lực của họ để có thể tiếp cận được với các giao dịch tốt nhất, đánh giá và lựa chọn các khoản đầu tư của họ cũng như tìm hiểu chi tiết trong bảng điều khoản đầu tư (term sheet).





Làm thế nào các nhà đầu tư mạo hiểm tìm kiếm các giao dịch


Có thể tiếp cận một cách ổn định với các giao dịch chất lượng cao là yếu tố quan trọng để một VC thành công. Nếu không có nguồn tiếp cận các giao dịch tốt, một VC có thể bỏ lỡ các vòng đầu tư cao cấp và không phát hiện ra các công ty khởi nghiệp tiềm năng cao khi còn sơ khai. Mỗi khi một VC thất bại trong vấn đề này, quỹ của nó có nguy cơ hoạt động kém hiệu quả so với đối thủ cạnh tranh.


Do đó, các nhà đầu tư mạo hiệu sẽ cố gắng hết sức cải thiện chất lượng nguồn giao dịch của họ. Các nhà đầu tư mạo hiểm thành công có một mạng lưới mạnh mẽ giúp họ nắm bắt các cơ hội đầu tư, cũng như một thương hiệu mạnh tạo ra dòng giao dịch đầu vào ổn định.


Nguồn giao dịch (source deal)


Một mạng lưới đa dạng, phong phú thường là nguồn giao dịch tốt nhất của VC. Các VC dựa vào mạng lưới của họ để kết nối với những nhà sáng lập triển vọng có công công ty khởi nghiệp phù hợp với luận điểm đầu tư của mình.


Thứ nhất, các VC kết nối với nhau bằng cách cùng đầu tư vào các công ty khởi nghiệp, cùng ngồi vào hội đồng quản trị và tham dự các sự kiện trong ngành. Các nhà đầu tư mạo hiểm thường mời những người khác trong mạng lưới của họ tham gia các vòng đầu tư hoặc giới thiệu các công ty khởi nghiệp không phù hợp với công ty của họ.


Các VC cũng dựa vào mạng lưới chuyên nghiệp gồm các doanh nhân, chủ ngân hàng đầu tư, luật sư M&A, LP và những người khác mà họ đã làm việc cùng trong việc phát triển và bán các công ty khởi nghiệp.


Accelerator - cung cấp một loại chương trình đào tạo khởi nghiệp cho những nhà sáng lập - cũng duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các VC, thường trở thành các nhà đầu tư chung. Năm 2009, Paul Graham của Y Combinator đã cố gắng lôi kéo Fred Wilson của Union Square Ventures đầu tư với anh vào Airbnb - và Wilson từ chối.


Cuối cùng, các chương trình MBA và trung tâm khởi nghiệp đại học cũng là những nguồn giao dịch tốt cho các VC. Một ví dụ là DoorDash, bắt đầu như một dự án của trường kinh doanh Stanford, và đã tiếp tục huy động được hơn 2 tỷ đô la, được định giá gần 13 tỷ đô la.


Tuy nhiên, nếu không có một cầu nối tốt nào trong mạng lưới để kết nối với một startup đầy triển vọng, các VC sẽ sử dụng phương pháp thử và đúng là gửi email bày tỏ sự quan tâm đến việc hợp tác thẳng tới các công ty khởi nghiệp mà họ quan tâm.


Nguồn giao dịch Inbound


Xây dựng một mạng lưới mạnh mẽ là chưa đủ để VC đạt được khả năng tiếp xúc tối đa với các giao dịch chất lượng cao nhất. Với sự khan hiếm của các công ty khởi nghiệp kỳ lân cũng như cường độ cạnh tranh cao, các VC cần phải xây dựng một thương hiệu mạnh để cải thiện luồng giao dịch đến.


Phần lớn có hai cách để VC nâng cao thương hiệu và dịch vụ của họ: tiếp thị theo tư tưởng lãnh đạo và cách cung cấp thêm dịch vụ “giá trị gia tăng"


Bằng cách trở thành những nhà lãnh đạo tư tưởng, các VC thu hút một cộng đồng gồm các doanh nhân và các nhà đầu tư khác tìm đến họ vì chuyên môn và quyền hạn. Các VC xây dựng nền tảng của họ bằng cách viết, viết blog, tweet và phát biểu trước công chúng tại các sự kiện khác nhau.


First round capital xuất bản các bài báo dài về lãnh đạo, quản lý và làm việc theo nhóm cho các doanh nhân giai đoạn đầu. Fred Wilson của Union Square Ventures đã điều hành một blog hàng ngày kể từ năm 2003, nơi anh chia sẻ những hiểu biết hậu trường khác nhau về ngành. Bedrock Capital tự coi mình là một công ty phát hiện ra “những vi phạm tường thuật" - những công ty thách thức một câu chuyện thường được mọi người chấp nhận và coi là điều bình thường.


Kết hợp chuyên môn về lãnh đạo tư tưởng với dịch vụ “giá trị gia tăng" hấp dẫn có thể là một cách hiệu quả để thu hút các công ty khởi nghiệp hàng đầu. Các VC làm tăng giá trị cho các công ty trong danh mục đầu tư của họ ngoài việc chỉ cung cấp vốn, họ cung cấp cố vấn, mạng lưới và hỗ trợ kỹ thuật.


Andressen Horowitz cung cấp cho các công ty của mình dịch vụ kế toán và tiếp thị toàn diện. GV, chi nhánh VC của ALphabet, có một nhóm hoạt động chuyên hỗ trợ các công ty khởi nghiệp về thiết kế và tiếp thị sản phẩm. First Round Capital tổ chức các hội nghị lãnh đạo và các chương trình cố vấn đặc biệt hướng đến những nhà sáng lập giai đoạn đầu, mang đến một cộng đồng các mối quan hệ ngoài bản thân công ty.


Các VCs lựa chọn các thương vụ đầu tư như thế nào


Đánh giá một công ty khởi nghiệp là một thách thức rất lớn. Thông thường, không có các doanh nghiệp khác tương tự để so sánh hay ước tính quy mô thị trường một cách chính xác hoặc các mô hình kinh doanh có thể dự đoán được. Do đó, các nhà đầu tư mạo hiểm dựa vào sự kết hợp giữa trực giác và dữ liệu để đánh giá xem công ty khởi nghiệp có đáng để đầu tư hay không và nó nên được định giá ở mức nào.


Market size


Các VCs luôn tìm kiếm các cơ hội với một thị trường lớn (Total Address Market - TAM). Nếu TAM nhỏ, sẽ có hạn chế đối với lợi nhuận mà VC có thể thu được khi startup exit - điều này không tốt cho các VC vì họ cần các thương vụ có thể đem về lợi nhuận 10 - 100 lần để có thể được công nhận là một trong những quỹ VC hàng đầu.


Nhưng VC không phải chỉ muốn đầu tư vào các startup nằm trong thị trường lớn ngay từ đầu mà họ còn muốn đặt cược vào các công ty mà thị trường của nó có khả năng tăng trưởng theo thời gian.


TAM của uber đã tăng 70 lần trong 10 năm, từ thị trường xe đen trị giá 4 tỷ đôla thành thị trường sở hữu xe hơi và taxi gần 300 tỷ đô la. Khi sản phẩm trưởng thành, dịch vụ rẻ hơn, tiện lợi hơn của nó đã chuyển đổi khách hàng, bắt đầu có hiệu ứng mạng, trong đó chi phí giảm khi số lượng xe tăng lên.


Bill Gurley, đối tác chung tại Benchmark (công ty đã đầu tư vào Uber), nhận thấy công ty cuối cùng đã chiếm lĩnh toàn bộ thị trường ô tô, vì dịch vụ đặt xe trở nên thích hợp hơn so với việc sở hữu một chiếc ô tô.


Một ví dụ khác là Airbnb, bắt đầu vào năm 2009 với tư cách là một trang web dành cho sinh viên đại học. Vào thời điểm đó, sàn quảng cáo chiêu hàng của chính họ nói với các nhà đầu tư rằng: toàn cầu chỉ có 630.000 phòng trên couchsurfing.com. Nhưng đến năm 2017, Airbnb đã có 4 triệu phòng - nhiều phòng hơn cả 5 tập đoàn khách sạn lớn nhất cộng lại. TAM của nó đã lớn lên cùng với nhó.


Việc dự đoán mức độ ảnh hưởng của sản phẩm trên thị trường là một thách thức. Theo scott Kupor, đối tác quản lý tại Andreessen Horowitz và tác giả cuốn sách “Secrets of Sand Hill Road", các VC phải có khả năng “suy nghĩ sáng tạo về vai trò của công nghệ trong việc phát triển thị trường mới" để nắm bắt các khoản đầu tư lớn, thay vì chỉ quan tâm tới giá trị của TAM hiện thời.


Sản phẩm


Một yếu tố quan trọng khác là sự phù hợp của sản phẩm với thị trường (product - market fit), một ý tưởng lớn thực sự trở nên sáng sủa khi sản phẩm đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của thị trường sao cho số lượng người dùng mới tăng nhanh chóng mà số lượng rời bỏ lại thấp. Phần lớn các startups thất bại vì họ không thể tạo ra được sản phẩm phù hợp với thị trường, vì vậy các VC thường cho rằng đó là mục tiêu quan trọng nhất đối với một công ty startup ở giai đoạn đầu.


Không có một thời điểm cụ thể để biết khi nào thì đạt được sản phẩm phù hợp với thị trường (product-market fit). Đúng hơn, nó xảy ra theo một quá trình dần dần, có thể mất từ vài tháng đến vài năm. Nó cũng không phải là sau khi đạt được thì nó sẽ tiếp tục phát triển vĩnh viễn: kỳ vọng của khách hàng liên tục thay đổi và các sản phẩm có thể bị loại bỏ nếu không có sự điều chỉnh phù hợp.


Cần hiểu rằng sự phù hợp của sản phẩm - thị trường không tương đương với tăng trưởng. Mức tăng đột biến về việc sử dụng do những người dùng đầu tiên có thể trông ấn tượng trên bảng thống kê, nhưng nếu các con số giảm xuống trong một vài tuần, đó không phải là một chỉ báo tốt về sự phù hợp sản phẩm - thị trường.


Các nhà sáng lập phải trải qua rất nhiều khó khăn, thời gian, thất bại để có thể tạo ra được sản phẩm - thị trường phù hợp. Như Stewart Butterfield phải từ bỏ công ty trò chơi di động của mình trước khi có thể tạo ra Slack, rồi Tobias Lutke phải sử dụng hạ tầng của cửa hàng trượt tuyết trực tuyến của mình để xây dựng Shopify.


Những công ty khởi nghiệp này đã thành công trong việc mở rộng quy mô theo cấp số nhân vì họ có thể tiếp cận sản phẩm phù hợp với thị trường trước khi tăng cường bán hàng và tiếp thị. (Điều nguy hiểm là mở rộng quy mô quá sớm trước khi sản phẩm phù hợp với thị trường, như khoảng 70% công ty khởi nghiệp hay làm - theo Startup Genome)


Sản phẩm - thị trường phù hợp có thể khó đo lường bởi vì một sản phẩm có thể ở bất kỳ đâu từ một vài lần lặp lại cho đến một bước ngoặt đáng kể. Tuy nhiên có một số tiêu chí chuẩn định lượng có thể cho thấy quá trình phát triển của startup.


Ví dụ: chỉ số NPS (Net Promoter Score) cao cho thấy rằng khách hàng không chỉ nhận ra giá trị của sản phẩm mà còn sẵn sàng giới thiệu sản phẩm cho người khác.


Tương tự, đối với Dean Ellis - nhà đầu tư thiên thần thì sản phẩm - thị trường phù hợp đơn giản thành câu hỏi: “bạn cảm thấy thế nào nếu bạn không thể sử dụng sản phẩm nữa?” Những người dùng trả lời “Rất thất vọng" tạo nên thị trường cho sản phẩm đó.


Một cách đơn giản khác là tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ đi kèm với tỷ lệ giữ chân người dùng cao.


Một sản phẩm - thị trường phù hợp mạnh mẽ là một dấu hiệu thuyết phục cho thấy một công ty khởi nghiệp sẽ trở nên thành công. VCs tìm kiếm các công ty khởi nghiệp đã đạt được nó hoặc có một lộ trình cụ thể để hướng tới nó. Ở giai đoạn Series A, một công ty khởi nghiệp thường cần cho các nhà đầu tư thấy rằng họ đã đạt được hoặc đạt được những tiến bộ rõ ràng để tiền gần tới sản phẩm - thị trường phù hợp.


Đội ngũ sáng lập


Ở giai đoạn hạt giống, một startup không là gì ngoài một bản pitch deck. Josh Kopelman của First Round Capital nói rằng, ở giai đoạn hạt giống, có khả năng sản phẩm của một công ty khởi nghiệp đã sai, chiến lược của họ bị lỗi, nhóm của họ chưa hoàn thiện hoặc họ chưa xây dựng được công nghệ. Trong những trường hợp đó, điều anh ấy đặt cược không phải là ý tưởng khởi nghiệp mà là người sáng lập.


Khi một VC đầu tư vào một công ty khởi nghiệp, VC đang đặt cược rằng công ty sẽ trở thành cái mà Scott Kupor gọi là “người chiến thắng trên thực tế". Do đó các nhà đầu tư mạo hiểm phải quyết định một cách thận trọng xem nhóm sáng lập có phải là nhóm tốt nhất để giải quyết vấn đề thị trường này hơn bất kỳ nhóm nào khác có thể đến với họ để gọi vốn sau này không.


Các VC tìm kiếm những người sáng lập có kỹ năng giải quyết vấn đề tốt. Họ đặt câu hỏi để có cái nhìn nhanh về cách người sáng lập suy nghĩ thông qua một số vấn đề nhất định. Họ hiểu được liệu nhà sáng lập có linh hoạt trong việc vượt qua những thử thách, thích ứng với những thay đổi của thị trường và thậm chí xoay chuyển sản phẩm khi cần thiết hay không.


Họ cũng tìm kiếm các nhà sáng lập có liên quan chặt chẽ tới thị trường mà họ đang muốn phá vỡ. Chris Dixon nói rằng anh ấy xem xét liệu những nhà sáng lập có kiến thức về ngành, văn hoá hoặc học thuật liên quan tới ý tưởng của họ hay không.


Các VC cũng ưu tiên những người sáng lập trước đây đã thành lập các công ty khởi nghiệp kỳ lân. Những người sáng lập này có kinh nghiệm đưa một công ty từ 0 đô la doanh thu lên hàng tỷ đô la và họ hiểu những gì cần thiết để chuyển đổi công ty ở mỗi cấp độ. Họ cũng có mức độ phủ sóng trên các phương tiện truyền thông và một mạng lưới mạnh mẽ - tất cả đều góp phần vào việc tuyển dụng nhân tài và thu hút các nguồn lực.


Ví dụ, một nhóm nhân viên PayPal ban đầu, được gọi là PayPal Mafia, đã bắt đầu một số công ty khởi nghiệp rất thành công, bao gồm Yelp, Palantir, LinkedIn và Tesla. Các “mafias" khởi nghiệp khác - bao gồm các nhân viên thời đầu trở thành những nhà sáng lập - tiếp tục phân nhánh từ các công ty khởi nghiệp trưởng thành như Uber và Airbnb, từ đó thu hút thêm sự chú ý và tài trợ của VC.


Bảng điều khoản (Term sheet)


Bảng điều khoản (term sheet) là một thỏa thuận không ràng buộc giữa VC và các công ty khởi nghiệp về các điều kiện đầu tư vào công ty đó. Nó bao gồm một số điều khoản, quan trọng nhất là định giá, quyền hạn và các chính sách ưu đãi.


Định giá


Định giá của công ty khởi nghiệp nhằm mục đích xác định số cổ phần mà VC sẽ nắm giữ tương ứng với một khoản tiền đầu tư nào đó. Nếu công ty khởi nghiệp được định giá là 100 triệu đô la trước khi có thêm tiền đầu tư (Pre Money), thì vòng đầu tư 10 triệu đô la sẽ mang lại cho nhà đầu tư 10/ (100 + 10) = ~9.09% cổ phần của công ty. Sau khi nhận được đầu tư 10 triệu đô la từ các nhà đầu tư thì giá trị của công ty khởi nghiệp sẽ là: 100 + 10 = 110 triệu đô la (Post Money).


Định giá cao hơn cho phép nhà sáng lập bán ít lượng cổ phần hơn với cùng một số tiền đầu tư. Các cổ đông hiện tại - những người sáng lập, nhân viên hay bất kỳ nhà đầu tư nào trước đây sẽ ít gặp phải tình trạng pha loãng cổ phần hơn, có nghĩa là khoản lãi thường cao hơn khi công ty được bán. Bán ít lượng cổ phần hơn trong một vòng đầu tư giúp cho người sáng lập có thể huy động nhiều tiền hơn trong khi vẫn giữ được mức độ kiểm soát nhất định.


Tuy nhiên, mức định giá cao đi kèm với kỳ vọng lớn và áp lực từ các nhà đầu tư. Những người sáng lập đã đẩy giá lên cao đến ngưỡng mà các nhà đầu tư có thể thoải mái trả sẽ có rất ít chỗ cho sai lầm. Mỗi vòng nói chung cần mang lại ít nhất gấp đôi mức định giá của vòng trước, do đó mức định giá cao cũng làm cho việc gọi vốn vòng sau trở nên khó khăn.


Một nhược điểm khác của việc định giá cao là các nhà đầu tư mới có thể phủ quyết việc exit sau này nếu giá vòng exit sau không đủ lớn vì họ cần có một lợi nhuận tương xứng với số tiền họ đã đầu tư. Ví dụ như nhà đầu tư vào công ty với định giá 100 triệu đô sẽ không cho phép công ty exit với bất kỳ giá nào dưới 300 triệu đô, việc này có thể dẫn tới khó khăn cho công ty exit sau này.




Quyền giữ tỷ lệ


Quyền giữ tỉ lệ cung cấp cho nhà đầu tư khả năng tham gia vào các vòng đầu tư tiếp theo trong tương lai và đảm bảo số vốn cổ phần mà họ đang nắm giữ.


Nếu các nhà đầu tư mạo hiểm trước đó không tiếp tục đầu tư, cổ phiếu của họ sẽ bị pha loãng dần theo từng vòng gọi vốn. Nếu họ sở hữu 10% cổ phần khi họ đầu tư, họ sẽ mất 10% quyền sở hữu ban đầu đó mỗi khi công ty khởi nghiệp phát hành thêm 10% cổ phần mới thông qua mỗi vòng gọi vốn tiếp theo.


Thực hiện các quyền theo tỷ lệ đã được đảm trước đây có thể trở thành nguồn gây áp lực căng thẳng giữa các VC ban đầu tham gia với việc chống lại pha loãng cổ phiếu với các VC đầu tư vòng sau muốn mua càng nhiều càng tốt lượng cổ phần của công ty.


Quyền ưu đãi thanh lý


Quyền ưu đãi thanh lý trong hợp đồng đầu tư là một điều khoản xác định xem ai sẽ nhận được bao nhiêu trong trường hợp công ty thanh lý.


VC, các cổ đông ưu tiên sẽ được ưu tiên nhận trước trong trường hợp công ty thanh lý.


Bội số 1x đảm bảo nhà đầu tư sẽ được thanh toán ít nhất tiền gốc đầu tư trước khi những người khác được thanh toán hết. Cấu trúc ưu tiên xác định thứ tự mà các ưu đãi được trả. Ư tiên “Pari passu" trả cho tất cả các cổ đông ưu tiên cùng một lúc trong khi ưu tiên tiêu chuẩn ưu tiên tiên theo thứ tự ngược lại, bắt đầu với nhà đầu tư gần đây nhất.


Khi các vòng gọi vốn lớn hơn và nhiều nhà đầu tư tham gia hơn, công ty nên chú ý đến việc quản lý thứ tự các quyền ưu đãi thanh lý này đề các nhà đầu tư không được thưởng một cách không cân xứng trong một khoản thanh toán mà không để lại nhiều hậu quả cho người sáng lập và nhân viên.


Vòng đời đầu tư mạo hiểm: từ hạt giống đến exit


Một công ty khởi nghiệp được các VC đầu tư và hậu thuẫn trung bình trải qua nhiều vòng gọi vốn trong suốt thời gian tồn tại.


Ở giai đoạn ban đầu hoặc giai đoạn hạt giống, phần lớn vốn được phân bổ để phát triển sản phẩm khả thi tối thiểu (MVP). Các nhà đầu tư thiên thần, bạn bè và gia đình của người sáng lập thường đóng vai trò quan trọng trong việc cấp vốn cho công ty khởi nghiệp ở giai đoạn đầu.


Ở giai đoạn đầu, vốn được sử dụng để tăng trưởng: phát triển sản phẩm, khám phá các kênh kinh doanh mới, tìm kiếm phân khúc khách hàng và mở rộng sang các thị trường mới.


Ở các giai đoạn sau, công ty khởi nghiệp tiếp tục mở rộng quy mô, tăng trưởng doanh thu, mặc dù có thể chưa có lãi. Nguồn vốn thường được sử dụng để mở rộng thị trường ra nước ngoài, mua lại các đối thủ cạnh tranh hoặc chuẩn bị cho IPO.


Trong giai đoạn cuối cùng của chu kỳ, công ty thoát ra (exit) thông qua chào bán công khai (IPO) hoặc giao dịch mua lại (M&A) và các cổ đông có cơ hội nhận được lợi nhuận từ việc sở hữu vốn cổ phần của họ.


Đầu tư từ giai đoạn hạt giống đến giai đoạn đầu có nhiều rủi ro hơn so với đầu tư giai đoạn cuối, bởi vì các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn này chưa có sản phẩm có thể mở rộng thương mại. Đồng thời, những khoản đầu tư sớm lại mang tới lợi nhuận lớn hơn vì các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu với định giá thấp có nhiều cơ hội để phát triển hơn.


Các khoản đầu tư ở giai đoạn sau có xu hướng an toàn hơn vì các công ty khởi nghiệp ở giai đoạn này thường ổn định hơn. Điều này không nhất thiết đúng trong mọi trường hợp: Một số công nghệ mất nhiều thời gian hơn để hoàn thiện và các nhà đầu tư giai đoạn cuối vẫn có thể đặt cược vào chúng để đạt được sự chấp nhận trên thị trường đại chúng.




Không phải tất cả các startup đều trải qua các giai đoạn này. Một số người sáng lập chọn không huy động thêm vốn từ các vòng đầu tư mạo hiểm, thay vào đó có thể bằng nợ, tiết kiệm hoặc dòng tiền.


Hai lý do lớn mà những người sáng lập chọn “bootstrap" (tự bỏ vốn) là để duy trì quyền sở hữu đối với định hướng của công ty và xây dựng với tốc độ bền vững. Vì vốn đầu tư mạo hiểm đi kèm với kỳ vọng của nhà đầu tư rằng công ty sẽ tăng trưởng nhanh chóng hàng tháng, các công ty khởi nghiệp được VC hậu thuẫn có thể rơi vào bẫy đốt tiền mặt cho nhiều khách hàng hơn.


Áp lực này khiến các công ty khởi nghiệp đánh mất tầm nhìn sáng tạo dài hạn của họ. Nhận ra sự thất bại này, những người sáng lập nền tảng chia sẻ video Vistia đã chọn vay nợ, viết trong một bài đăng trên blog rằng họ “cảm thấy tin tưởng rằng những ràng buộc về lợi nhuận mà khoản nợ áp đặt sẽ có lợi cho doanh nghiệp.”

Mặt khác, Facebook là một ví dụ về một công ty đã mở rộng quy mô thành công qua các giai đoạn khác nhau với các vòng gọi vốn mạo hiểm. Quỹ mô của công ty khởi nghiệp đạt tới đỉnh điểm là đợt IPO trị giá 16 tỷ đôla với mực định giá 104 tỷ đô la, khiến nó trở thành một trong những thương vụ exit được hậu thuẫn bởi các VC thành công nhất mọi thời đại.


Ở một mức độ nào đó, việc Facebook vươn lên dẫu đầu dường như là điều hiển nhiên. Người dùng hoạt động hàng tháng của nó đã tăng theo cấp số nhân từ năm 2004 đến năm 2012, chỉ từ 1 triệu lên hơn 1 tỷ. Năm 2010, nó đã vượt qua Google để trở thành trang web được truy cập nhiều nhất ở Mỹ, chiếm hơn 7% lưu lượng truy cập hàng tuần.


Nhưng trong vài năm đầu thành lập, Facebook bị coi là định giá quá cao. Năm 2005, mức định giá 87 triệu đô la Mỹ của Facebook được cho là quá cao và nhà đầu tư Peter Thiel đã chọn không tiếp tục đầu tư. Vào năm 2006, người dùng của Facebook vẫn còn ở mức 12 triệu sinh viên đại học và các nhà đầu tư hy vọng dịch vụ sẽ thành công khi nó được phát hành cho một thị trường người dùng rộng lớn hơn.


Bên dưới sẽ trình bày các mục tiêu cơ bản của từng giai đoạn đầu tư mạo hiểm, đồng thời xem xét các bước cụ thể mà Facebook đã thực hiện để thoát ra (exit) thành công, tạo ra hàng tỷ USD của cải cho các nhà đầu tư của mình.


Giai đoạn hạt giống


Ở giai đoạn hạt giống, một công ty khởi nghiệp không hơn gì những người sáng lập và ý tưởng. Mục đích của vòng hạt giống là để công ty khởi nghiệp tìm ra sản phẩm, thị trường và người dùng của mình.


Khi sản phẩm bắt đầu thu hút được nhiều người dùng hơn, công ty có thể sẽ tiến tới vòng gọi vốn Series A. Tuy nhiên, hầu hết các công ty khởi nghiệp không đạt được sức hút với người dùng cho đến khi họ hết tiền và phải dừng cuộc chơi.


Các khoản đầu tư ở giai đoạn hạt giống thường dao động từ 250.000 đô la đến 2 triệu đô la, với mức trung bình từ 750.000 đến 1 triệu đô la (đây là ở thị trường Mỹ và một số thị trường lớn khác). Các nhà đầu tư thiên thần, Accelerator và VC ở giai đoạn hạt giống, chẳng hạn như Y Combinator, First Round Capital và Founders là các cá nhân, tổ chức thường đầu tư vào vòng này.


Khi Facebook gọi vốn vòng hạt giống, Peter Thiel, người đồng sáng lập Paypal và đã chuyển sang thành nhà đầu tư thiên thần, trở thành nhà đầu tư bên ngoài đầu tiên của công ty, ông mua 10,2% cổ phần với giá 500.000 đô la. Điều này giúp Facebook được định giá ở mức 5 triệu đô la.


Người đồng sáng lập LinkedIn, Reid Hoffman, người cũng đầu tư vào vòng này, nhớ lại rằng Zuckerberg rất trầm lặng và khó xử, anh “chằm chằm nhìn vào bàn làm việc" trong cuộc họp của họ. Tuy nhiên, sự hào hứng của các sinh viên trong trường đại học với sản phẩm đã thuyết phục được Thiel và Hoffman phải đầu tư.


Series A


Vào thời điểm công ty khởi nghiệp gọi vốn vòng Series A, nó đã phát triển được một sản phẩm và một mô hình kinh doanh để chứng minh với các nhà đầu tư rằng nó sẽ tạo ra lợi nhuận trong thời gian dài. Mục đích gọi vốn vòng này là để tối ưu hoá người dùng hiện tại và tăng trưởng quy mô.


Một số công ty khởi nghiệp bỏ qua vòng hạt giống và bắt đầu gọi vốn từ vòng Series A. Điều này có xu hướng xảy ra nếu người sáng lập đã tạo được uy tín, kinh nghiệm trước đó trên thị trường hoặc một sản phẩm có cơ hội mở rộng quy mô nhanh chóng bằng các phương hướng thực thi đúng đắn.


Vòng Series A dao động từ $2m - $25M, với mức trung bình là #3M - $7M. Các VC truyền thống như Sequoia Capital, Benchmark và Greylock có xu hướng dẫn đầu các vòng này. Mặc dù các nhà đầu tư thiên thần có thể cùng đầu tư nhưng họ không có quyền định giá hoặc ảnh hưởng đến vòng gọi vốn này.


Accel và Breyer Capital dẫn đầu vòng gọi vốn Series A của Facebook vào năm 2005, nâng mức định giá sau đầu tư (post money) của nó lên gần 100 triệu đô la.


Vào thời điểm đó, Facebook vẫn chỉ giới hạn cho sinh viên đại học, với ít hơn 3 triệu người dùng, trong khi mạng đối thủ Myspace có nhiều hơn gấp 4 lần. Việc gọi được vốn vòng thứ hai này giúp Facebook mở rộng tới 1.400 trường cao đẳng trên toàn quốc và cải thiện trải nghiệm người dùng với các tính năng tốt hơn. Mặc dù nền tảng quảng cáo của Facebook chỉ được phát triển đầy đủ vào năm 2007 nhưng ở giai đoạn này Facebook đã bắt đầu thử nghiệm với các liên kết được tài trợ và các banner quảng cáo.


Series B


Khi một công ty khởi nghiệp tiến tới vòng gọi vốn Series B, lý tưởng nhất là nó đã thiết lập được chỗ đứng trong thị trường và đang tìm cách để tăng trưởng nhanh chóng. Công ty khởi nghiệp sẽ sử dụng tiền để tăng cường các nỗ lực bán hàng và tiếp thị, mở rộng địa lý và thậm chí mua lại các công ty nhỏ hơn.


Quy mô của vòng series B có thể lên tới hàng chục triệu đô la. Họ được dẫn dắt bởi cùng các nhà đầu tư như từ vòng Series A và một số công ty ở giai đoạn sau bắt đầu tham gia, chẳng hạn như IVP.


Vào năm 2006, Greylock Partners và Meritech Capital Partners đã tham gia vào Series B trị giá 27,5 triệu đô la của Facebook. Đến thời điểm đó, số lượng người dùng của Facebook đã tăng lên theo cấp số nhân, lên hơn 7 triệu người dùng. Nó được xếp hạng là trang web được truy cập nhiều thứ bảy tại thời điểm này.


Ngay sau vòng gọi vốn, Facebook đã mở trang web của mình cho công chúng rộng rãi hơn, cho phép bất kỳ ai có địa chỉ email hợp lệ đều có thể tham gia. Đăng ký mở là một thành công lớn, đưa số lượng người dùng từ 9 triệu vào tháng 9 năm 2006 lên 14 triệu vào tháng 1 năm 2007.


Series C


Khi một công ty khởi nghiệp tiến tới vòng gọi vốn series C, nó thường sẵn sàng cho các cơ hội M&A hoặc IPO. Số tiền huy động được trong vòng này sẽ tiếp tục được dùng cho các nỗ lực mở rộng từ giai đoạn Series B, bao gồm mở rộng theo địa lý (thậm chí quốc tế), mua lại các đối thủ cạnh tranh và phát triển các sản phẩm mới.


Một vòng gọi vốn Series C có thể giao động từ vài chục đến vài trăm triệu đô la. Các nhà đầu tư mạo hiểm giai đoạn đầu có thể đầu tư vào vòng này, nhưng các nhà đầu tư giai đoạn cuối, bao gồm các công ty cổ phần tư nhân, quỹ đầu cơ, các nhánh đầu tư giai đoạn cuối của ngân hàng đầu tư và các công ty thị trường thứ cấp lớn cũng tham gia.


Vào tháng 10 năm 2007, Microsoft đã mua 1,6% cổ phần của Facebook với giá 240 triệu đô la, đưa mức định giá của Facebook ở mức 15 tỷ đô la.


Giao dịch này là một quan hệ đối tác chiến lược: Microsoft sẽ bán các quảng cáo biểu ngữ của Facebook được hiển thị bên ngoài Hoa Kỳ và phân chia doanh thu. Facebook đã sử dụng vốn để thuê thêm nhân viên, mở rộng ra nước ngoài và tung ra Facebook Ads, một nền tảng quảng cáo toàn diện cho các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô.


Late Stage (giai đoạn cuối)


Vào thời điểm một công ty khởi nghiệp huy động vốn vào các vòng cuối, công ty đó thường tìm cách niêm yết cổ phiếu. Vốn từ các khoản đầu tư giai đoạn cuối được sử dụng để hạ giá, trấn áp đối thủ cạnh tranh và tạo điều kiện thuận lợi cho IPO.


Trong vài năm qua, nhiều công ty đã dành nhiều thời gian hơn cho giai đoạn này, thay vì tiến tới IPO ngay. Một số kỳ lân công nghệ, chẳng hạn như Postmate và Stripe đều đang chờ IPO, mặc dù đã đạt doanh thu hàng tỷ USD.


Các điều kiện không thuận lợi của thị trường cùng với khả năng tiếp cận vốn tư nhân dễ dàng đang thúc đẩy xu hướng exit muộn hơn và lớn hơn của các công ty khởi nghiệp. Sự ra mắt thị trường công khai đáng thất vọng của Uber và Lyft vào năm 2019 đã khiến các công ty khởi nghiệp lớn phải xem xét lại chiến lược exit của họ. Với các quỹ mạo hiểm lớn hơn và các vòng gọi vốn lớn hơn giúp cho các công ty khởi nghiệp có đủ thời gian để không cần phải exit sớm.


Vào năm 2009, Facebook đã huy động được 200 triệu đô la vòng Series D từ công ty internet Digital Sky Technologies (DST) có trụ sở tại Nga, đưa ra mức định giá 10 tỷ đô la. Sau đó, vào năm 2011, Facebook đã huy động được 1,5 tỷ đô la với mức định giá 50 tỷ đô la trong vòng Series E với sự tham gia của DST và chi nhánh liên doanh của Goldman Sachs.


Exit (Thoái vốn)


Trong một đợt IPO (Chào bán công chúng lần đầu), một công ty được các nhà đầu tư mạo hiểm rót vốn sẽ bán cổ phiếu ra công chúng tần đầu tiên. IPO thường được coi là kịch bản rút lui (thoái vốn đầu tư) lý tưởng, bởi vì những người sáng lập vẫn giữ quyền kiểm soát công ty trong khi các cổ đông được hưởng mức lợi nhuận cao.


Một chiến lược thoái vốn khác là sáp nhập hoặc mua lại. Việc mua lại cũng có thể mang lại lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư nhưng những người sáng lập thường phải từ bỏ quyền kiểm soát. Ví dụ Instagram đã được Facebook mua lại với giá 1 tỷ đô la vào năm 2012, nhưng những người đồng sáng lập của nó đã rời công ty vào năm 2018 khi họ không thể gặp mặt Mark Zuckerberg.


Facebook đã từ chối nhiều đề nghị mua lại trong suốt nhiều năm, bao gồm đề nghị trị giá 1 tỷ đô la từ Yahoo! vào năm 2006.


Zuckerberg đưa ra ý tưởng về IPO vào năm 2010, nhưng vào thời điểm đó anh nói với công ty rằng cũng không vội vàng. Đến năm 2012, Facebook tiến dần tới việc IPO bằng cách mua lại các công ty nhỏ hơn để nâng cao dịch vụ và củng cố chỗ đứng của mình trong không gian tiêu dùng trên internet.


Vào tháng 5 năm 2012, Facebook đã huy động được hơn 16 tỷ đô la trong đợt IPO của mình, đưa định giá của công ty ở mức 104 tỷ đô la và tạo ra lợi nhuận ròng hàng tỷ USD cho các nhà đầu tư ban đầu như Thiel, Accel Partners và Breyer Capital.


Tuy nhiên, thành công liên tục của Facebook sẽ khiến cho đợt IPO của nó giống như một món hời. Khi doanh thu của nó tiếp tục tăng - từ khoảng 5 tỷ đô la vào năm 2012 lên hơn 70 tỷ đô la vào năm 2019 - giá cổ phiếu của nó cũng tăng lên, giao dịch ở mức gần 6 lần giá IPO vào tháng 5 năm 2020.


187 views0 comments

Recent Posts

See All

Cách viết email khi liên lạc với một nhà đầu tư

Hãy sử dụng các mẹo email này để giao tiếp với các nhà đầu tư một cách tích cực Đối với các nhà sáng lập khởi nghiệp, rèn luyện và duy trì kết nối với các nhà đầu tư là điều cần thiết để thành công. C

bottom of page