top of page

Product Owner có vai trò gì đối với sản phẩm

Trong một công ty, Project Manager (quản lý dự án) là một trong những vị trí phổ biến nhất trong đội ngũ quản lý. Thời kỳ Nokia còn là hãng điện thoại thống trị, việc phát triển sản phẩm của hãng đều được biến thành các dự án độc lập. Định nghĩa thành công của các dự án này là sự cân bằng giữa 3 tiêu chí: scope(phạm vi), budget(ngân sách) và time(thời gian). Để giúp một tập thể hoàn thành mục tiêu với các yếu tố sẵn có trên, người đứng đầu sẽ có trách nhiệm phân bố task (công việc) và resource (nguồn lực). Do vậy, trước khi bắt tay vào làm việc, chúng ta luôn phải liệt kê hết tất cả chi tiết dẫn đến việc hình thành sản phẩm cuối cùng, và tạo ra thời gian biểu trước hàng tháng, có khi hàng năm.


Việc dự đoán và phát triển dựa trên các chỉ số như vậy sẽ khiến sản phẩm bị tách rời ra khỏi thứ mà nó cần phục vụ: Người tiêu dùng. Không có gì khó hiểu khi người quản lý dự án liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, nhưng doanh thu và lợi nhuận của sản phẩm cứ giảm dần.


Điều này thúc đẩy việc tạo ra một phương pháp làm việc, quản trị mới. Đáng kể nhất có thể nói đến Agile, và Scum, 1 ứng dụng của Agile, đang được áp dụng rộng rãi trong các tập đoàn lẫn công ty startup. Trong lý thuyết, có một vai trò mới được sinh ra, gọi là Product Owner (PO). Trong giai đoạn chuyển giao, các công ty thường có thói quen bổ nhiệm người đang quản lý dự án trở thành PO. Trong thực tế, cách nhìn nhận của PO đã thay đổi khá lớn, người nắm giữ vai trò này sẽ không bị gói gọn bởi 3 tiêu chí nêu trên, cũng không giám sát trực tiếp task và resource, mà phải nắm chắc một khái niệm khác: 3Vs, Vision (tầm nhìn), Value (giá trị), Validation(đánh giá). Trong bài viết này, chúng ta sẽ bàn về Vision.


Tầm nhìn này sẽ định nghĩa sản phẩm mà họ muốn tạo ra, và phải nằm trong tầm nhìn chung của cả công ty. Ví dụ, vision của LinkedIn là "Tạo ra cơ hội phát triển kinh tế cho tất cả nguồn lực trong xã hội". Các sản phẩm mà họ bày bán là: tìm kiếm việc làm, tìm kiếm khách hàng, và gần đây mua lại Lynda, một ứng dụng nổi tiếng nhằm cung cấp kiến thức cho người lao động.

Nhiệm vụ của PO là truyền tải và liên tục nhắc lại tầm nhìn của sản phẩm trong quá trình phát triển. Thực tế, để làm được điều này, PO phải có quyền quyết định, có thể phân loại 5 cấp độ PO như sau, liên quan đến chức vụ thực sự trong công ty:

  • Scribe: người làm việc trực tiếp trong đội ngũ phát triển, và có thêm nhiệm vụ ghi chép tổng hợp các thông tin đó lại.

  • Proxy: người nhận chỉ đạo của cấp trên và giám sát đội ngũ phát triển, sau đó báo cáo lại tình hình tuỳ theo nhu cầu của lãnh đạo.

  • Business Representative: người đại diện của các phòng trực tiếp điều hành kinh doanh, có quyền đề nghị ngân sách cung cấp cho đội ngũ phát triển, nhưng không trực tiếp làm cùng dây chuyền sản xuất.

  • Sponsor: lãnh đạo cấp cao trong công ty, có quyền trích trực tiếp ngân sách cho đội ngũ phát triển, người này nhận thấy sự quan trọng của lĩnh vực kinh doanh này với công ty.

  • Entrepreneur: nhà khởi nghiệp, tự trích tiền riêng của mình để tạo nên lĩnh vực kinh doanh mới, trực tiếp tham gia với đội ngũ phát triển.

Cùng với phân loại như vậy, thường những PO sáng giá là những người đã có chức năng của một Product Management (người quản lý sản phẩm), tức là ngoài việc quản lý việc phát triển một sản phẩm, họ còn rất nhiều chức năng khác. Ví dụ như: tổ chức, tham gia sự kiện, dự báo, nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, tìm hiểu thị trường, nghiên cứu người dùng, ... Nếu PO không phải là người làm đã và đang làm những việc này, thì từ bây giờ PO phải trực tiếp tham gia và sở hữu nó. Toàn bộ mục đích để có thể duy trì vision trong sản phẩm.


Có thể so sánh việc này với cách làm một sợi dậy ngọc trai. Vision là sợi dây nằm giữa, có chức năng nối các chuỗi hạt với nhau. Mỗi hạt ngọc trai được thêm vào sẽ giúp cho Value (giá trị) của cả sản phẩm được tăng lên. Chúng ta sẽ bàn tiếp về cách mà PO tạo ra giá trị này trong bài viết sau.

39 views0 comments
bottom of page